Mã Thị Bích Thảo
Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ
Là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tách, chiết các sản phẩm từ quả dừa, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất viên nang mềm từ dầu dừa tinh khiết (Virgin Coconut Oil – VCO) hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nâng cao giá trị gia tăng cho trái dừa.
Nhiều giá trị từ dừa
Cây dừa tên khoa học là Cocos Nucifera L thuộc họ Cau (Arecaceae), là một trong các cây lấy dầu quan trọng nhất thế giới, với tổng diện tích khoảng 12,47 triệu ha, được trồng tại 93 quốc gia, trong đó các quốc gia thuộc Hiệp hội Dừa châu Á – Thái Bình Dương (APCC) chiếm tới 10.762 ha. Ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia có diện tích và sản lượng dừa lớn chủ yếu là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cùi dừa (hay còn gọi là cơm dừa) có chứa 40-52% nước, 3-4,3% protein, 9-10% carbohydrate tổng số, 2,1-3,4% cellulose, 34,7-38,0% lipid và 0,8-1,9% tro. Hàm lượng lipid (chất béo) trong cơm dừa chiếm tỷ lệ khá cao nên cơm dừa được sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất dầu dừa. Các nhà khoa học đã xác định được trên 10 loại axit béo có trong dầu dừa, chủ yếu là các chất béo bão hòa có mạch các bon trung bình. So sánh các chất béo trong dầu dừa với sữa người, các nhà khoa học nhận thấy có sự tương đồng đáng kể về giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, trong dầu dừa có chứa tới 45-52% (tổng hàm lượng chất béo) là axit lauric – loại axit béo có tính kháng khuẩn cao đã được tìm thấy trong sữa người (6,2% trong hàm lượng chất béo), sữa bò (2,9%) và sữa dê (3,1%). Khi vào cơ thể, axít lauric có khả năng kết hợp với các axit amin khác để biến thành hợp chất monolaurrin, có tác dụng chống các loại virus có lớp vỏ lipid (chẳng hạn như SARS và HIV). Đặc biệt, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy nhiều chất có tính dược lý đặc thù của loại dầu dừa như: phytonutrient, tocopherol và phytosterol – vốn là những chất giúp bảo vệ tim, chống ung thư…
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, hiện nay đã có nhiều cải tiến trong việc chiết tách dầu dừa nhằm tạo ra các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Dầu dừa được sản xuất bằng công nghệ ly tâm không gia nhiệt có các phẩm chất tương đương với dầu dừa theo tiêu chuẩn của APCC và Philippine. Hiện nay, việc sử dụng dầu dừa ở Việt Nam khá phổ biến nhưng chỉ chủ yếu sử dụng VCO ở dạng lỏng, khiến cho việc sử dụng không được thuận tiện và khó khăn trong quá trình bảo quản. Vì vậy, việc sử dụng VCO làm nguyên liệu cho quy trình công nghệ sản xuất viên nang mềm dầu dừa là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển đa dạng các sản phẩm từ dừa, nâng cao giá trị cho trái dừa.
Làm chủ quy trình công nghệ sản xuất viên nang mềm từ dầu dừa
Từ năm 2017, các nhà khoa học tại Viện Ứng dụng Công nghệ đã nghiên cứu và chuyển giao thành công dây chuyền sản xuất VCO từ cơm dừa tươi bằng công nghệ ly tâm không gia nhiệt năng suất 1.000 lít/giờ cho Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới. Đây được coi là công nghệ tiên tiến so với thế giới, giúp cung cấp một lượng lớn nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất viên nang mềm từ dầu dừa tinh khiết. Đặc biệt, là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu sản xuất và chế biến dừa, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ đã thực hiện 03 nhiệm vụ về dừa (02 nhiệm vụ cấp nhà nước và 01 nhiệm vụ cấp cơ sở), góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng cho trái dừa, đồng thời ổn định đời sống cho người trồng dừa tỉnh Bến Tre nói riêng và các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Tiếp nối các kết quả đã đạt được, đầu năm 2023, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ lại được Viện Ứng dụng Công nghệ giao thực hiện nhiệm vụ: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang mềm từ dầu dừa tinh khiết (VCO – Virgin Coconut Oil) hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.
Với đội ngũ cán bộ có trình độ cùng cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, các nhà khoa học của Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ đã hoàn thiện các nội dung gồm: khảo sát, đánh giá việc sử dụng về VCO trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng; xây dựng tiêu chuẩn VCO làm nguyên liệu cho sản xuất viên nang mềm (xác định các chỉ tiêu của dầu dừa nguyên chất làm tiêu chuẩn nguyên liệu cho sản xuất viên nang mềm dầu dừa nguyên chất, xác định tỷ lệ tá dược gelatin để tạo vỏ nang và tỷ lệ VCO được sử dụng trong 1 viên nang mềm VCO); xây dựng quy trình công nghệ sản xuất viên nang mềm VCO, giúp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Sản phẩm viên nang mềm VCO do Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ nghiên cứu, chiết xuất thành công.
Thành công của nghiên cứu này đã tạo ra sản phẩm viên nang mềm có chất lượng cao, giúp nâng cao giá trị gia tăng của quả dừa. Đây là cơ sở để Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ tiến hành xây dựng dự án sản xuất viên nang mềm từ dầu dừa tinh khiết VCO ở quy mô lớn và sẵn sàng chuyển giao cho những doanh nghiệp có nhu cầu, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.
Ngày nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dừa của thế giới ngày càng gia tăng, yêu cầu các sản phẩm từ dừa ngày càng đa dạng. Chính vì thế, việc sản xuất thành công viên nang mềm từ VCO đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người trồng dừa và mở ra hướng đi mới cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.