Tọa lạc tại thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), Queen Farm hiện là trang trại sầu riêng công nghệ cao quy mô lớn nhất địa phương với diện tích 55 ha. Không chỉ đầu tư bài bản ngay từ đầu, trang trại còn theo đuổi triết lý canh tác bền vững, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến đất, nước và môi trường.
Sản xuất hướng đến xuất khẩu
Cách TP. Đồng Xoài gần 50 km, trang trại Queen Farm nằm giữa một khu vực đồi cao, thoáng đãng và biệt lập. Toàn bộ diện tích canh tác được quy hoạch đồng bộ, chia thành 4 khu với 30 lô trồng sầu riêng gồm khoảng 12.000 cây thuộc các giống Dona, Ri6 và Musang King – tất cả đều đang bước sang năm thứ tư sinh trưởng và phát triển đồng đều.

Sản xuất hướng đến xuất khẩu
Chủ trang trại – anh Nguyễn Thế Tùng – cho biết, từ khi bắt đầu triển khai mô hình, Queen Farm đã xác định định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, kiểm soát dinh dưỡng và bảo vệ thực vật đều được tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn quốc tế.
“Chúng tôi hướng đến sản xuất thuận tự nhiên, áp dụng công nghệ cao nhưng vẫn tôn trọng quy luật sinh học. Mọi sự can thiệp của con người đều có giới hạn và luôn đi kèm trách nhiệm với đất đai, môi trường sống và chất lượng nông sản,” anh Tùng chia sẻ.
Triết lý: “Lấy từ đất, trả về đất một cách biết ơn”
Một trong những điểm nổi bật của Queen Farm là triết lý canh tác xuyên suốt: “Những gì lấy từ đất phải được trả về cho đất một cách biết ơn nhất”. Để thực hiện điều đó, trang trại chú trọng cải tạo đất bằng cách trồng các loại cây tạo thảm thực vật như lạc dại, cỏ vetiver, đậu phộng và muồng bông vàng. Các loài cây này vừa chống xói mòn, vừa tăng độ phì cho đất và giúp cải thiện độ pH.
Bên cạnh đó, Queen Farm tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ vi sinh IMO (Indigenous Microorganisms) để kích hoạt hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Hệ thống châm phân – tưới nước tự động theo độ ẩm và nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn sinh trưởng giúp tiết kiệm tài nguyên và tối ưu hiệu quả.
Đặc biệt, trang trại còn chủ trương không khai thác nước ngầm thường xuyên. Thay vào đó, các hồ chứa nước nhân tạo được xây dựng để trữ nước mưa, đảm bảo đủ nguồn tưới cho cây trồng trong mùa khô. Chính nhờ hệ thống này, Queen Farm vẫn duy trì ổn định trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2024 vừa qua.

Kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn thực phẩm
Trước yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc – nơi tiêu thụ hơn 90% sản lượng sầu riêng xuất khẩu của Bình Phước – Queen Farm chú trọng kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi sản xuất, từ đầu vào đến đầu ra.
Anh Nguyễn Thế Tùng cho biết: “Chúng tôi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc với mã định danh cho từng cây sầu riêng. Mỗi lô đất, mỗi loại vật tư đều được kiểm soát chặt. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn giúp xử lý nhanh nếu xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm.”
Liên quan đến việc kiểm soát chất vàng O và dư lượng kim loại nặng – những vấn đề đang được phía Trung Quốc đặc biệt quan tâm – Queen Farm chủ động gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm định kỳ. Trang trại đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành quy định rõ ràng, chỉ định các tổ chức kiểm định độc lập để hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn khi xuất khẩu.
Đồng thời, anh Tùng kiến nghị cần sớm hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo Luật Trồng trọt, bảo đảm việc cấp – quản lý minh bạch, thuận lợi, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong chuỗi xuất khẩu nông sản.

Mã số vùng trồng – “Hộ chiếu” cho nông sản vươn xa
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Phước, đến nay tỉnh đã cấp 65 mã số vùng trồng với diện tích hơn 2.400 ha và 3 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sầu riêng. Khoảng 95% sản lượng sầu riêng tươi của tỉnh được xuất khẩu sang Trung Quốc, phần còn lại tiêu thụ nội địa.
Việc quản lý mã số vùng trồng được giám sát định kỳ 6 tháng/lần. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng 31 chuỗi liên kết, trong đó có 20 doanh nghiệp hợp tác với 29 hợp tác xã nhằm đảm bảo tính minh bạch và bền vững trong sản xuất.
Sở Nông nghiệp tỉnh cũng đang phối hợp với VNPT triển khai chuyển đổi số trong quản lý mã số vùng trồng, giám sát trực tuyến các thông tin về chất lượng, quy trình sản xuất và lịch sử canh tác. Đây được xem là bước tiến quan trọng để nâng cao tính minh bạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường xuất khẩu.

Không chạy theo phong trào
Tuy sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng lãnh đạo ngành nông nghiệp Bình Phước khuyến cáo người dân không nên phát triển diện tích tràn lan, tránh nguy cơ mất kiểm soát vùng nguyên liệu.

“Sầu riêng là cây khó tính, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, nguồn nước dồi dào và thổ nhưỡng phù hợp. Không phải nơi nào cũng trồng được, và không phải ai cũng nên trồng nếu chưa đủ năng lực quản lý vùng trồng theo đúng yêu cầu xuất khẩu,” ông Trần Văn Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh – nhấn mạnh.
Theo ông Phương, sản xuất xanh và tăng trưởng xanh sẽ là xu hướng tất yếu trong nông nghiệp, đặc biệt khi các rào cản kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu đang siết chặt. Do đó, mô hình như Queen Farm cần được nhân rộng, vừa tạo sản phẩm chất lượng, vừa giữ gìn uy tín của ngành hàng sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Nông nghiệp và Môi trường