Nông nghiệp xanh TUMA FARM – Nền kinh tế tuần hoàn
Xuất phát từ việc người trong gia đình dùng thực phẩm không an toàn mà bị đau ốm nên Hoàng Phi Long, sáng lập Tamu Farm, quyết định đi theo con đường nông nghiệp tuần hoàn khép kín để mang đến cho khách hàng những thực phẩm tốt cho sức khỏe, hướng đến sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường sống, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp.
Mô hình kinh tế tuần hoàn Tamu Farm hướng đến quy trình sản xuất khép kín. Các chất thải qua xử lý được đem trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Từ 2017 đến 2019, Tamu Farm đã triển khai thành công mô hình nông trại xanh khép kín giúp sản xuất rau củ quả đạt sản lượng tốt và tối ưu được chi phí sản xuất khi tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm phân bón. Vào tháng 10/2019, dự án tham gia Én Xanh 2019 và vinh dự được trao chứng nhận Dự án tạo tác động xã hội.
Đại dịch Covid-19 là lúc để thay đổi mô hình
Từ 2020 đến hiện nay, dưới tác động của đại dịch Covid-19, doanh thu của Tamu Farm sụt giảm với những khó khăn trong khâu sản xuất – vận chuyển, nhân sự nghỉ việc nhiều… Thách thức đặt ra là làm sao để tìm đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định trong tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài.
Hoàng Phi Long cho biết: “Đây là lúc mà chúng tôi phải thay đổi mô hình, chuyển sang liên kết với các đối tác sản xuất khác nhằm tìm kiếm nguồn lực mới. Bên cạnh đó, việc thay đổi khu vực địa lý để phát triển hoạt động kinh doanh là xu hướng tất yếu. Khác biệt trong văn hóa vùng miền và tư duy nông nghiệp khi chuyển đổi ra khu vực phía Bắc trong mô hình liên kết với đơn vị địa phương khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian để thích nghi cho ‘Chuỗi cung ứng thực phẩm xanh’ theo định hướng kinh tế tuần hoàn khép kín.”
Để duy trì thực hiện mục tiêu xã hội – môi trường đã đặt ra, Tamu Farm phải kiểm soát được chi phí nguyên liệu đầu vào một cách tối ưu nhất để tăng tính cạnh tranh về chất lượng thực phẩm so với nhiều đối thủ ở thị trường phía Bắc. Chi phí sản xuất – thương mại luôn là bài toán khó. Ngoài ra, Tamu Farm vẫn đảm bảo công bằng giới trong hoạt động kinh doanh, đưa lao động nữ vào ban lãnh đạo sau khi được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng. Khi chuyển đổi mô hình thuần sản xuất sang mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ, doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các nguồn lực lớn của đối tác, nhờ đó lao động nữ trong tổ chức cũng tiếp nhận được nhiều cơ hội hơn.
Những bài học từ đại dịch mà doanh nghiệp nhận ra được là:
Xây dựng bộ máy nhân sự nội bộ thật tinh gọn về chức năng nhiệm vụ.
Cắt giảm các chi phí không quan trọng vào hoạt động kinh doanh một cách nhanh gọn, quyết liệt.
Thay đổi mô hình kinh doanh và tiến hành thí điểm, điều chỉnh liên tục theo kế hoạch ngắn hạn hàng tháng dựa vào diễn biến thị trường cung cầu.